Nguyên Nhân Ô nhiễm môi trường, Biểu Hiện và Biện Pháp khắc phục

Ô nhiễm môi trường là hiện tượng môi trường tự nhiên bị bẩn, đồng thời các tính chất vật lí, hóa học, sinh học của môi trường bị thay đổi, gây tác hại tới đời sống của con người và các sinh vật khác. Ô nhiễm chủ yếu do hoạt động của con người gây ra. Ngoài ra, ô nhiễm còn do một số các hoạt động tự nhiên: núi lửa phun nham thạch gây nhiều bụi bặm, thiên tai lũ lụt tạo điều kiện cho nhiều loài sinh vật gây bệnh phát triển…

Hình ảnh minh họa ô nhiễm môi trường


Những nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường

Trong cuộc sống hàng ngày: đất, nước, không khí,… đóng vai trò rất quan trọng đối với con người. Nhưng môi trường hiện nay đất, nước, không khí… đang ngày càng bị ô nhiễm ảnh hưởng tới sức khỏe của con người trên toàn thế giới, nguyên nhân chủ yếu là do con người và thiên nhiên mà các tác nhân chủ yếu gây nên ô nhiễm môi trường là:

Ô nhiễm do các chất khí thải ra từ hoạt động công nghiệp và sinh hoạt

Ô nhiễm môi trường có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân, nhiều lý do khác nhau. Trong đó, tác động từ khí thải sinh hoạt, sản xuất công nghiệp đa dạng như:

–Các khí thải độc hại như: cacbon oxit (CO), lưu huỳnh đioxit (SO2), cacbonic (CO2), bụi…

– Nguyên nhân gây ô nhiễm khí thải rất đa dạng nhưng chủ yếu là do quá trình đốt cháy nhiên liệu: gỗ, củi, than đá, dầu mỏ…

– Về giao thông vận tải như máy bay sử dụng xăng dầu, xe máy sử dụng xăng…

– Trong sản xuất công nghiệp: các nhà máy sử dụng chất đốt củi, xăng dầu..

– Trong sinh hoạt các gia đình sử dụng nhiều nguyên liệu như củi, than, dầu…

Khí thải của nhà máy

Ô nhiễm do hóa chất bảo vệ thực vật và chất độc hóa học

Thuốc bảo vệ thực vật gồm: thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ,… Việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật làm tăng năng suất cây trồng nhưng có tác động bất lợi tới môi trường, ảnh hưởng tới sức khỏe con người.

Trong chiến tranh ở miền Nam trước đây, quân đội Mĩ đã sử dụng chất độc hóa học đã phá hủy môi trường và gây nhiều bệnh cho con người.

Ô nhiễm do các chất phóng xạ

Nguồn ô nhiễm phóng xạ chủ yếu là từ chất thải của công trường khai thác chất phóng xạ, các nhà máy điện nguyên tử, thử vũ khí hạt nhân… có khả năng gây đột biến ở người và sinh vật gây ra một số bệnh di truyền, ung thư…

Ô nhiễm do các chất rắn

– Các dạng vật liệu được thải ra qua quá trình sản xuất và sinh hoạt

– Trong công nghiệp: đồ nhựa, giấy, dụng cụ kim loại, đồ thủy tinh…

– Trong nông nghiệp: rác thải như thực phẩm hư hỏng,…

– Trong xây dựng: đất, đá, vôi, cát…

– Trong y tế: thải ra bông băng bẩn, kim tiêm…

– Trong các gia đình: thải ra nhiều loại rác, túi nilon, thức ăn thừa…

Rác thải sinh hoạt

Ô nhiễm do sinh vật gây bệnh

Có nhiều nhóm sinh vật gây bệnh cho con người và các sinh vật khác nguyên nhân chủ yếu do các chất thải như phân, rác, nước thải sinh hoạt, xác động vật… không được thu gom và sử lý đã tạo điều kiện cho nhiều sinh vật gây hại, gây bệnh cho con người và động vật phát triển.

Ô nhiễm tiếng ồn

Chủ yếu là do tiếng ồn của động cơ ô tô, xe máy, tiếng ồn của các nhà máy xí nghiệp.

Môi trường tự nhiên cung cấp cho con người thức ăn, nước uống, khí thở và là nơi vui chơi giải trí…không những thế còn cung cấp tài nguyên thiên nhiên dùng trong đời sống và trong sản xuất. Bên cạnh đó, môi trường còn là nơi tiếp nhận những chất thải trong sinh hoạt, sản xuất, khai thác tài nguyên…vì vậy đã gây nên ô nhiễm môi trường: đất, nước, không khí, ô nhiễm tiếng ồn…

– Con người đốt rừng làm nương rẫy, lấy củi đốt, lấy gỗ làm nhà…đó là những nguyên nhân khiến rừng bị tàn phá. Gây nhiều hậu quả như: khí hậu bị thay đổi, lũ lụt hạn hán xảy ra thường xuyên, đất bị xói mòn trở nên bạc màu, suy thoái…

– Hiện nay, dân số gia tăng dẫn đến nhu cầu chỗ ở tăng, nhu cầu lương thực cũng tăng theo dẫn tới đất trồng bị thu hẹp. Vì vậy, để phục vụ nhu cầu của con người thì người ta đã tìm cách tăng năng suất cây trồng. Biện pháp bón phân hóa học, sử dụng thuốc trừ sâu, diệt cỏ… và dùng không đúng cách, dùng quá liều lượng …

Thuốc bảo vệ thực vật không phân hủy hết đã gây ô nhiễm nguồn nước, đất, không khí, ngấm vào rau củ quả gây độc cho con người. Không những thế, vỏ chai, túi đựng thuốc sau khi sử dụng bị vứt xuống mương nước, trên đồng ruộng … những việc làm đó khiến môi trường đất, nước, không khí bị ô nhiễm làm ảnh hưởng tới hệ sinh thái, ảnh hưởng tới sức khỏe của con người.

– Dân số tăng, lượng rác thải ra môi trường tăng, việc sử lý rác thải không hợp vệ sinh cũng là nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường. Nước thải sinh hoạt bao gồm nước thải từ các khu dân cư, từ các hộ gia đình, tùy từng nơi mà tính chất nước thải khác nhau.

Qua các tác nhân ô nhiễm trên thấy được do sự phát triển của các ngành công nghiệp, khai thác tài nguyên và sản xuất ra của cải vật chất đã làm ảnh hưởng tới môi trường. Các quá trình xử lý chất thải, gia tăng giao thông đường bộ, ô nhiễm do sinh hoạt (như đun nấu bằng than, củi)… là nguyên nhân làm bầu không khí của trái đất bị nhiễm bẩn.

– Các chất thải rắn từ công nghiệp, xây dựng, rác thải y tế,… chưa được phân loại, xử lí đúng.

– Các chất thải sinh hoạt, nông nghiệp đi vào đất thường mang nhiều vi sinh vật gây bệnh (lị, tả…), các bệnh về kí sinh trùng (giun, sán…) cũng được truyền vào người và động vật qua môi trường đất.

– Do sự thiếu ý thức của người dân như xả rác không đúng nơi quy định, tự ý đốt rác,đốt bao bì ni lông, đốt rơm rạ, xử lý xác chết động vật không đúng còn vất ra ao, hồ, sông,… gây ô nhiễm đất, nước, không khí.

Rác thải nhựa

– Hiện nay các phương tiện giao thông tăng, nhất là đường bộ gây ô nhiễm không khí do khói, bụi, khí thải của động cơ… thải vào không khí các chất độc hại. Con người hít phải sẽ gây các bệnh về đường hô hấp.

– Các chất hóa học, chất phóng xạ (như thử vũ khí hạt nhân): một số loại phóng xạ ngấm vào nước, đất, không khí gây ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp cho con người.

– Vùng biển đang dần dần bị nhiễm bẩn do các chất thải công nghiệp, nông nghiệp và sinh hoạt đổ ra từ các lưu vực sông. Ô nhiễm dầu ngày càng nhiều do hoạt động giao thông vận tải đường biển, các sự cố tràn dầu, đắm tàu.

– Bên cạnh những nguyên nhân chính từ con người thì do các hiện tượng như đất cát bị gió thổi tung tạo thành bụi, các hoạt động của thiên nhiên như núi lửa phun nham thạch gây bụi, động đất làm vật nuôi chết thối rữa gây mùi bẩn, thiên tai bão lũ cũng gây ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường.

Biểu hiện của ô nhiễm môi trường

Ô nhiễm môi trường trở thành vấn đề toàn cầu mà nhân loại đang phải đối mặt, tìm cách xử lý. Đối với ô nhiễm môi trường hiện nay biểu hiện một cách cụ thể qua:

– Trái đất đang dần nóng lên

– Hiệu ứng nhà kính, mưa axit…

– Nước biển dâng

– Đất liền bị xâm nhập, nhiễm mặn

– Sạt lở, xói mòn đất

– Khí hậu thay đổi, nóng quá hoặc lạnh quá, xuất hiện mưa đá, tuyết ở một số nơi

– Xuất hiện ngày càng nhiều sâu bệnh và khó điều trị

– Nguồn nước ngày bẩn và ngày càng mất dần

– Con người ngày càng nhiều bệnh tật

Biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường

Bảo vệ môi trường là bảo vệ sự sống trên Trái đất. Bởi thế, con người cần có những biện pháp khắc phục thích hợp mới giúp tình trạng ô nhiễm môi trường được giảm thiểu, từ đó tránh tác động tiêu cực tới sự sống, tới cuộc sống cùa chính con người:

– Ngày nay ở nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có nước ta đã có luật bảo vệ rừng, khuyến khích trồng cây gây rừng.

– Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục để nâng cao ý thức cho mọi người về ô nhiễm và cách phòng chống. Đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, phổ biến chính sách, chủ trương, pháp luật và các thông tin về môi trường. Đưa nội dung giáo dục bảo vệ môi trường vào chương trình sách giáo khoa, các phương tiện truyền thông (đài, tivi, mạng xã hội…), các hoạt động trong nhà trường và địa phương.

Chung tay bảo vệ Ngôi nhà xanh của chúng ta

Trồng cây xanh, xây dựng công viên xanh để hạn chế bụi và điều hòa khí hậu.

Giáo dục trẻ như vất rác đúng nơi quy định.

Sử lý rác thải đúng quy định

Hạn chế sử dụng túi ni lông

Luôn có ý thức bảo vệ, giữ gìn vệ sinh, thường xuyên dọn dẹp môi trường nhà ở xung quanh sạch sẽ

– Thực hiện nghiêm ngặt việc sử lý nước thải bằng cách để nước thải chảy vào hệ thống thoát nước rồi đưa vào bộ phận sử lý nước thải. Xây dựng các hệ thống cấp và thải nước ở các khu đô thị, khu công nghiệp để nguồn nước thải không bị ô nhiễm vào nguồn nước sạch. Xây dựng hệ thống xử lí nước thải trở nên an toàn cho con người và môi trường.

– Trong công nghiệp: các nhà máy, các khu công nghiệp cần xây dựng xa khu dân cư và phải được lắp đặt các thiết bị lọc khí, xây dựng một quy trình sử lí chất thải công nghiệp chặt chẽ để giảm tình trạng ô nhiễm môi trường.

– Trong nông nghiệp: hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, dùng khi thực sự cần thiết, dùng đúng liều lượng, đúng hướng dẫn sử dụng để thuốc có hiệu quả và hạn chế ảnh hưởng tới môi trường. Ngoài ra, sử dụng các biện pháp sinh học: dùng các loài sinh vật không gây hại diệt trừ các sinh vật gây hại, các biện pháp canh tác như bố trí cây trồng hợp lí, luân canh làm cho đất không bị cạn kiệt nguồn dinh dưỡng và tận dụng được hiệu suất sử dụng đất tăng năng suất cây trồng, bón phân hợp lí tăng độ màu mỡ cho đất. Cần lưu ý lựa chọn và tạo ra các giống cây trồng có khả năng chống chịu tốt với sâu bệnh.

 Sử dụng các năng lượng không sinh ra khí thải như năng lượng gió, mặt trời. Ví dụ: Sử dụng điện mặt trời áp mái nhà…

 Tạo bể lắng và lọc nước thải. Sử dụng tảo hoặc cây xanh có khả năng hấp thu các chất gây ô nhiễm có trong nước.

Chôn lấp, đốt cháy rác thải đúng quy định không gây ô nhiễm.

Các chất rắn thải ra môi trường cần được quản lí chặt chẽ, chú ý ưu tiên các biện pháp tái sử dụng chất rắn làm nguyên liệu sản xuất. Xây dựng các nhà máy phân loại và xử lí chất thải.

Tập kết các bãi phế liệu đúng theo quy đinh. Phân loại và thu mua phế liệu mang tính chuyên môn cao.

Xử lí nghiêm khắc đối với các hành vi gây mất vệ sinh và ô nhiễm môi trường, cần xử phạt nghiêm đúng mức với mọi vi phạm.

Như vậy, bảo vệ môi trường không phải là việc của riêng một quốc gia nào. Đó là nhiệm vụ chung của mọi người trên thế giới. Mỗi chúng ta, từng lứa tuổi đều có thể góp phần bảo vệ môi trường xanh sạch đẹp. contact-form

Post a Comment

Cảm ơn bạn đã bình luận!

أحدث أقدم